Hotline: 0933 86 25 89

http://www.loctancuong.com

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Sao chè, nghề lắm công phu


      Xưa nay, đối với những người mê uống chè, mỗi khi được thưởng thức ấm chè ngon có thể coi là niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, để có được hương vị ấy, cần rất nhiều tâm huyết, công sức của những người sao chè. 

Nhọc nhằn và kỳ công
Đó là nhận xét của bất cứ ai từng chứng kiến hay đã trải qua công việc sao chè. Công việc này đâu chỉ đơn giản là đổ chè tươi vào hộc sắt (xoong cỡ lớn) rồi đốt lửa và đợi cho khô là thành sản phẩm. Nó phải trải qua nhiều công đoạn để có những cánh chè thơm ngon, ngậy hương. Người “sành chè” có khi chỉ nhấp thử một ngụm cũng biết chè ngon hay dở, sao đủ lửa hoặc kém lửa.

    Bà Nguyễn Thị Viện ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình), người có nhiều kinh nghiệm sao chè cho biết: “Tôi theo nghề này đã ngót 20 năm nay. Ngày trước, sao chè rất vất vả cực nhọc do phải làm thủ công. Từ khâu hái cho đến khi có được mẻ chè ngon thì đôi vai, tay, chân của người làm lúc nào cũng đen sạm. Chè hái về rồi, phải cho vào chảo gang hoặc hộc cỡ lớn sao tái, sau đó đem vò cho cánh chè cuộn lại. Vò xong lại cho vào chảo để sấy khô, chè khô rồi lại ngồi xát bằng rổ tre cho nhỏ cánh, sau đó tách ra thành từng loại chè khác nhau như: chè búp, chè cục, chè cám...”.

“Của một đồng công một nén”
Sao chè thời nay tuy nhàn hơn nhưng không phải cứ “ngồi chơi xơi nước” là ra sản phẩm. Không còn vò võ một người bỏ công sức làm từ A đến Z do có sự phân công lao động hợp lý, đưa máy móc vào sản xuất. Nhưng không có nghĩa là hết nhọc nhằn.

Cũng lại là khâu hái chè, bây giờ chè tươi khá sẵn, có thể mua được với số lượng lớn. Người đi mua phải nắm chắc giá cả, nếu không nguy cơ thua lỗ là rất cao và phải có kinh nghiệm chọn chè để biết loại nào ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Sao chè
      Anh Phạm Xuân Lộc, chủ một cơ sở chế biến chè ở tiểu khu CK2 (Lương Sơn - Hòa Bình) bộc bạch: “Thông thường khi đã có chè tươi rồi, quy trình sao, sấy phải qua 5 khâu chính: sao tái, vò cuộn, sấy khô, phân loại, đánh mốc. Nghĩa là chè tươi được cho vào lô tròn sao tái, tiếp đó chuyển sang cối để vò cho cánh chè cuộn lại rồi mới cho vào lô để sấy khô, sấy khô xong lại chuyển qua khâu phân tách từng loại chè. Cuối cùng mới chuyển vào máy để đánh mốc lấy hương cho chè”.

Đó mới là lý thuyết, còn trên thực tế, ở mỗi công đoạn lại phải thực hiện quy trình lặp lại không chỉ một lần. Ví như khâu phân loại chè, sau khi sấy khô, sẽ được đưa ra sàng, sảy cho hết những vụn nhỏ - xuất hiện trong công đoạn vò và sấy khô vì nếu để lẫn như vậy đến khi cho vào đánh mốc chúng rất dễ bén lửa, cháy khét. Mà đã cháy khét thì coi như đổ cả mẻ chè.

Đương nhiên, sao chè bằng máy năng suất lớn hơn gấp nhiều lần so với làm thủ công. Nhưng theo bài toán tỷ lệ thuận, số lượng sản phẩm cũng vì thế mà tăng lên, và do đó công sức bỏ ra cũng nhiều hơn. Đó là điều dễ nhận thấy nhất về nỗi vất vả, nhọc nhằn của người sao chè. Nhưng dù vậy, người dân các vùng chè luôn cố gắng để có mẻ chè ngon, không chỉ vì cuộc sống hàng ngày mà còn lưu giữ một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Việt.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét