Trà và Thiền |
"Người tu có nhiều niềm vui giản dị. Uống trà chẳng hạn. Pha ấm trà ngon là cả một công phu. Có người có trà thơm, ấm tốt, nhưng không biết cách pha. Phải học. Không phải học cách pha trà. Mà là học cách uống. Trước tiên cần tập ngồi cho yên. Vừa cầm chén trà, vừa đi tới đi lui lăng xăng thì trà ngon cách mấy cũng uổng phí. Tập ngồi yên, tức là tĩnh tọa, hay ngồi thiền".
Đến chùa, đôi khi ta được thầy đãi trà. Uống trà với thầy, ta học từ thầy cách ngồi yên. Đôi khi, một sư chú phải học ngồi uống trà với sư anh đến mấy năm, mới bắt đầu được sư anh cho pha trà. Ngồi yên thì tâm cũng yên. Tâm yên rồi thì rửa bình, rửa chén và bắt đầu pha trà đi! Nhiều khi trà không ngon lắm, nhưng biết cách pha thì vẫn thưởng thức được trọn vẹn hương và vị của nó. Ngược lại, trà ngon mà tâm còn đầy bụi trần thì pha ra vẫn lạt phèo.
Một thú vui khác của người tu là đọc kinh. Đọc kinh cũng không khác uống trà gì mấy. Cuốn kinh vẫn nằm đó. Nhưng không phải ai lật kinh ra đều thấy chữ. Chữ trong kinh khác với chữ nghĩa nơi các cuốn sách thường. Chữ trong kinh là hoa trái của công phu. Người nào có công phu tu tập, nhìn vào kinh, chữ nghĩa đổi mới hoài. Mỗi lần đọc là một lần khám phá. Như vậy ta cần học đọc kinh, cũng như học cách pha trà.
Có một thầy cho rằng thời buổi này giảng dạy các vị cư sĩ khó quá. Họ thuộc kinh còn giỏi hơn các thầy nữa. Tôi nói: ‘Đúng chớ. Đâu phải là tu sĩ mới hiểu kinh đâu. Nhưng không phải ai đọc kinh cũng hiểu nghĩa. Phải có tu tập. Không có tu tập thì đọc kinh càng nhiều, càng có nhiều hiểu lầm.’ Tuy vậy, ta vẫn phải giảng. Tại vì khi giảng kinh, ta nói từ những khám phá của chính ta. Những khám phá đó, có công năng làm cho người nghe thấy ra hướng thoát khổ.
Nhiều khi người ta tụng một bài kinh thôi. Tụng hoài cả mấy chục năm nhưng không hiểu nghĩa. Hoặc có hiểu nghĩa thì cái hiểu đó không tiến thêm được chút nào. Như vậy đọc kinh cần phải học. Không phải học hiểu từng chữ, mà là học khám phá. Đọc kinh như vậy thú vị vô cùng. Buổi sáng, uống một ấm trà, đọc một trang kinh. Đó là thú vui tao nhã của người tu hành.
Ngoài ra, giữa uống trà và đọc kinh còn có một điểm giống nhau. Đó là sự thảnh thơi. Phải thảnh thơi thì mới thưởng thức được một bình trà. Phải thảnh thơi thì mới khám phá ra những cái mới mẻ trong kinh. Không gian trong tâm giúp ta có khả năng sáng tạo. Cho nên uống trà là một pháp môn tu mầu nhiệm vô cùng. Ngồi cho thật yên để uống một ấm trà, ta phải có khả năng buông bỏ. Có bao nhiêu việc cần làm phải không? Làm sao mà ta có thể ngồi yên mà thưởng thức một chung trà cho được? Nếu tâm ta đầy dẫy những niệm như vậy thì không bao giờ ta có thể hiểu được ý kinh cả. Tụng đi tụng lại hàng ngày không phải là điều kiện thuận lợi giúp ta hiểu kinh. Ta phải có không gian. Đọc một câu thôi, nhưng nếu tâm ta có không gian thì ta sẽ khám phá nhiều hơn tụng cả bài kinh trong tâm niệm hấp tấp, bất an.
Như vậy uống trà tức là đọc kinh. Biết uống trà, thì mới biết đọc kinh. Nhìn một thầy pha trà, ta có thể thấy không gian ở trong lòng thầy. Cũng như nhìn vào cách bày biện trong một căn phòng, ta thấy được tâm của chủ nhân. Không gian giúp ta buông bỏ được những cái gì không thuộc về ta. Trở về được với chính mình, nhận diện đâu là mình, đâu là những cái thuộc về mình, tự nhiên ta có rất nhiều thảnh thơi. Ta biết ranh giới của ta. Những gì ta nên làm và những gì ta không nên làm. Ta sẽ bỏ được khuynh hướng muốn ôm vào lòng đủ thứ việc của thiên hạ.
Đạo Bụt có tương lai hay không, tùy thuộc vào nghệ thuật pha trà và uống trà của người tu. Có một sư chú, tu học với thầy mình đã lâu mà vẫn không thấy thầy dạy mình học kinh. Một hôm, trong lúc uống trà với thầy, mới rụt rè hỏi: ‘Thưa thầy, tại sao con thấy thầy ít dạy con học kinh quá vậy?’ Thầy trả lời: ‘Khi nào con biết uống trà cho đàng hoàng thì thầy mới dạy con học kinh. Dạy sớm, thầy sợ con hiểu lầm lời giảng của thầy.’ Thật là một vị thầy xuất sắc.