|
Hội rước chè tại Thái Nguyên |
Người Nhật có trà đạo, người Trung Quốc có trà kinh, người Việt Nam tự hào với trà phong...
Là văn hoá, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trên thế giới đều có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thưởng trà. Ví như người Trung Quốc tự hào có vùng chè nổi tiếng ở Hồ Nam, Hồ Bắc, Chiết Giang... thì người Việt Nam tự hào có vùng chè Lâm Đồng, Yên Bái, Phú Thọ...
Nhưng ngon nhất, nổi tiếng nhất nước vẫn là chè Thái Nguyên - vùng quê nửa đồng, nửa núi có câu chuyện tình huyền thoại chàng Cốc, nàng Công, tha thiết yêu đương mà không có phận. Để chàng Cốc hoá Núi, nàng Công hoá dòng nước tắm tưới cho vùng đất Thái Nguyên nên thơ - Sản sinh ra cây chè, bền bỉ chắt gạn từ lòng đất vị tinh tuý một tình yêu thuỷ chung.
Nhẩn nha uống trong đêm hội, bạn bè người tỉnh ngoài chợt bật lên câu hát về chuyện tình nàng Công, chàng Cốc, đằm thắm, dịu ngọt mà chát đắng thứ menb được tắm tưới bằng nước mắt của tình yêu.
Cũng bởi lẽ khát khao quyện hoà tình yêu đôi lứa, như khí hậu, đất đai dung hoà làm nên một thứ trà khi tra vào ấm thấy vị cốm thơm của lúa nếp mùa tháng mười, rót ra chén có màu xanh sóng sánh của ngọc lam, đặt chớm môi cảm nhận được vị chát, đắng theo đầu lưỡi vào huyết quản, rồi từ đó dư vị ngọt lan toả ngược trở ra.
Cũng bởi thứ trà thơm ngon thuộc diện “đệ nhất” cả nước, nên đã là người Thái Nguyên, có mấy ai không tự hào về cây chè quê hương mình. Dù đi tới chân trời, góc bể, người Thái Nguyên thường mang theo bên mình ấm trà đãi đằng bạn tứ phương.
Vâng! Tình yêu của con người dành cho nhau, và dành cho thiên nhiên. Cụ thể hơn thì đó là tình yêu của người Thái Nguyên dành cho cây chè. Minh chứng tình yêu ấy được trải nghiệm từ hàng trăm năm nay, qua bao phen “vật đổi sao rời”, người Thái Nguyên vẫn gắn bó với cây chè như bầu bạn tri âm, tri kỷ.
Cả thời đoạn ngăn sông, cấm chợ, nông dân Thái Nguyên chưa sống được nhờ nguồn thu từ cây chè. Song bên từng hàng chè uốn lượn như vòng tay ôm lấy lưng đồi, người nông dân vẫn bươn bả cùng mưa, nắng chăm lo cho cây chè nảy búp xanh. Rồi, đất nước đổi mới, Nhà nước có chính sách thông thương, cây chè như người nằm ngủ lâu ngày, bật dậy, nhanh chóng trở thành một loại hàng hoá mang lại thu nhập cao cho người lao động.
|
Thưởng thức trà Thái Nguyên |
Bởi thế, từ những năm 1990 trở lại nay, cây chè được các cấp, ngành quan tâm đầu tư. Trực tiếp là người nông dân đã dành hầu hết những khu đồi đất rặt cỏ tranh, cỏ chỉ hoang hoá, hoặc vườn cây có giá trị kinh tế thấp được chuyển đổi sang trồng chè. Đến đầu mùa Xuân năm con Rắn 2013, lật sổ bộ thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh đã có hơn 17.000 ha chè, 16.000 ha đang cho thu hoạch, với năng suất ổn định 107 tạ/ha.
Năng suất chè ổn định, đương nhiên sản lượng cũng không thay đổi, đạt khoảng hơn 170.000 tấn búp tươi/năm, bằng gần 35.000 tấn chè búp khô. Bấm đốt tay làm phép quy đổi giản đơn, nếu mỗi cân chè bán được 200.000 đồng (giá trung bình tại thời điểm tháng 1/2013), mỗi năm, cây chè mang lại cho nông dân trong tỉnh số tiền 7.000 tỷ đồng chẵn. Không cần rao bán, tư thương nhiều vùng miền trong cả nước tìm về - bởi trà Thái Nguyên tự nó đã ngon rồi.
Khoan bàn chuyện các cụ nho nhã thuở xưa ẩm trà Thái Nguyên với bao kỳ công từ chọn nước dùng, ướp trà sen, pha trà đến cách thưởng ẩm. Cũng xin chưa bàn về việc kỳ công của hậu duệ bây giờ làm trà nghệ thuật đạt đỉnh giá hơn 10 triệu đồng/kg. Mà như thông tin của Hiệp Hội Chè Thái Nguyên, thì hiện dân mình đang sản xuất, chế biến chè theo 3 hình thức: Chế biến thủ công; chế biến công nghiệp và chế biến công nghệ cao.
Nhưng có lẽ với người sành trà thuần Việt, chắc chắn ấm trà ngon nhất phải được chế biến trên chiếc chảo gang truyền thống, bắt đầu từ công đoạn làm héo, làm khô đến lên mốc cho chè.
Nhưng phổ thông hơn vẫn là chế biến bán công nghiệp, bởi chè được ví như loại sản phẩm hàng hoá đặc biệt, phải có đôi bàn tay mềm mại của con người trực tiếp tác động vào mới cho được sản phẩm tinh.
Riêng lĩnh vực chế biến chè cũng có không ít chặng đường phát triển để giải phóng sức lao động con người. Xa xưa, tổ tiên mình hái lá chè mang phơi, cất, nấu nước uống dần. Khi các cụ thu hái búp non mang xao trên chảo thì có lẽ đó là một phát minh lớn đối với lịch sử ngành chè Việt Nam - phát minh đó thuộc về dân gian.
|
Sao chè bằng mô tơ điện |
Sau nữa, người trồng chè liên tục cải tiến cách chế biến, như việc thay chảo gang bằng tấm tôn phẳng, rồi máy tôn quay bằng sức người, sau nữa được cải tiến thêm mô tơ kéo. Rồi thay vì vò chè bằng đôi chân trần nhờ máy vò chạy điện, người trồng chè được giảm bớt mồ hôi.
Cơ bản là cách chế biến truyền thống có thiết bị máy móc phụ trợ, nên chè Thái Nguyên, như số liệu tổng hợp của Hội Nông dân tỉnh, tại thời điểm này, sản phẩm chè của nông dân vẫn chủ yếu phục vụ người tiêu dùng trong nước.
Số lượng chè được xuất bán ra thị trường thế giới chưa đáng kể, đạt khoảng gần 7.000 tấn/năm, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc, Nga, Anh và Nhật Bản. Tuy chưa mang về được nhiều ngoại tệ cho quê hương, song chè Thái Nguyên không bị để tồn lưu từ năm này sang năm khác, mà luôn đắt hàng với ngay khách ẩm trong cả nước.
Trà Thái Nguyên tự hào có hương vị riêng, dù cây chè ấy được trồng ở đất Minh Lập (Đồng Hỷ), Phúc Thuận (Phổ Yên), La Bằng (Đại Từ) hay ở các xã thuộc vùng chè Tân Cương, chè đều có dư vị mang tên trà Thái.
“Đệ nhất danh trà”, không phải người Thái Nguyên “vỗ ngực khoe của báu”, mà bởi trà Thái Nguyên tự nó toả hương đến mọi miền cả nước. Dù đi bằng con đường nào, người thưởng ẩm là ai, đại gia phong lưu hay kẻ chân trần khất thực, trà Thái Nguyên vẫn toả thơm, ngất ngây hồn vía bao con người.