Ông Mông Nông Vũ được công nhận là người sở hữu nhiều bình trà cổ nhất Việt Nam. 300 bình trà "siêu độc" ấy thực sự là một kho báu quý giá của xứ trà Thái Nguyên.
Thái Nguyên không chỉ là "thủ phủ" của chè ngon thượng hạng mà còn là nơi quy tụ được những bình trà siêu cổ, siêu độc và siêu đắt.
Hành trình truy tìm kho báu
Ông Mông Nông Vũ nguyên là Giám đốc Trung tâm văn hoá tỉnh Thái Nguyên, tên thật của ông là Vũ Quý Nhân nhưng người dân quen gọi ông là Mông Nông Vũ - đó cũng là nghệ danh của một nghệ sĩ chèo nổi tiếng tỉnh Bắc Thái trước đây. Không chỉ là người khơi gợi và đặt nền móng cho đoàn chèo Bắc Thái, ông còn là con chim đầu đàn, là trưởng đoàn đầy uy tín với những vở chèo để đời.
Sinh ra ở mảnh đất Định Hoá giữa vùng ATK đi vào lịch sử dân tộc, sau ngày đất nước giải phóng, chàng nghệ sĩ trẻ Mông Nông Vũ bắt đầu đi sâu nghiên cứu về trà đạo. Ông tâm sự: "Cũng một phần vì mình là người nghiện trà, từ việc bị nghiện nên mới có cái hứng để tìm tòi sâu sắc văn hoá trà Việt, và việc khởi đầu là đi tìm những bình trà cổ kính qua các thời kỳ lịch sử".
Vậy là mỗi lần dẫn đoàn chèo Bắc Thái đi công diễn ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, ông Mông Nông Vũ đều dành cho mình một khoảng thời gian riêng biệt đến các hộ dân hỏi han cho kỳ được những bình trà lạ mắt. Ông Vũ bảo: "Đi thì mời biết cha ông ta đã để lại quá nhiều kho báu quý. Bình trà cổ thời những năm 1980 còn khá nhiều, có nhà không dùng đến thì vứt ngay ở đống rác hoặc đập bỏ".
Ông Vũ vẫn còn nhớ như in bình trà cổ đầu tiên mà mình có được nhờ một lần đi công diễn ở huyện Võ Nhai. Sau khi vào nhà một người bạn, ông thấy ấm trà cực lạ mắt hình tam giác bị vứt ngoài gốc chuối. Rất may mắn, ông xin được và đem về nghiên cứu. Sau khi đo đạc, thử chất men và tham khảo các tài liệu liên quan, ông đã phải thốt lên sung sướng vì đó là bình trà cực cổ cách ngày nay hàng nghìn năm tuổi. Đó là báu vật đầu tiên mà ông có được.
Tuy nhiên, cũng có những lần ông Vũ phải bỏ tiền với hàng chục tháng lương mới đủ mua được một bình trà cổ kính. Tiền tích cóp bao nhiêu năm, ông đều "gạ" vợ cho "mượn" rồi lên đường lang thang khắp các tỉnh, thành, ngõ ngách chỉ để mua bình trà cũ, thậm chí nhiều cái đã bị sứt vòi, mẻ nắp.
Nhiều người quen biết Mông Nông Vũ đến nhà chơi thấy nhiều bình trà cũ kỹ được xếp la liệt khắp nhà thì không biết ra làm sao. Có người bảo ông hâm, lại có người nghĩ ông kinh doanh đồ cổ nên giới thiệu khách hàng. Có những bình trà được người lạ trả giá cao tới vài chục triệu đồng nhưng ông không bán.
Bình Gà Thần đã 800 năm tuổi
|
Độc - lạ - cổ
Ba mươi năm trời truy tìm bình trà cổ nhưng mãi đến năm 2006 trong Festival trà Đà Lạt, ông Vũ mới chính thức công bố kho báu quý hiếm của mình. Lúc này, cả giới nghiên cứu trà đạo và giới đồ cổ trong và ngoài nước mới “ngã ngửa” vì bộ sưu tập khổng lồ mà một nghệ sĩ chèo như ông Vũ có được.
Ngay lập tức, các chuyên gia trà đạo từ Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu tìm đến ông Vũ với sự kính nể khi nghe ông giảng thuyết trà Việt trong sự tấm tắc kính phục. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cũng cho lập hồ sơ đối ứng với các ứng viên khắp ba miền nhưng không ai có được bộ sưu tập bình trà với số lượng nhiều - độc - lạ - cổ kính như của ông Vũ.
300 bình trà của ông Vũ với đủ mọi hình dáng kích thước. Có những ấm hình lá sen, hình đèn lồng, hình con vịt với đủ mọi hình thù kỳ quái. Có những ấm là hình người, hình tam giác, hình con gà, lại có những ấm trà quý dành cho vua chúa thời xưa với hình long - ly - quy - phượng có chất men cực chuẩn và bóng.
Ông Vũ bảo: "Đã có chuyên gia định giá 300 cổ vật này với giá hàng chục tỷ đồng nhưng tôi không quy ra tiền. Cổ vật là vô giá, là thứ phản ánh sự sinh động của văn hoá trà Việt qua mấy nghìn năm qua. Mình phải gìn giữ và bảo vệ để Việt Nam được khẳng định vai trò văn hoá với thế giới".
Ấm trà long - ly - quy - phượng cực hiếm. |
Bình trà nói nên điều gì?
Ông Mông Nông Vũ trầm tư: "Nhiều người nghĩ bình trà thì chỉ là bình trà mà không biết nó thể hiện cho nền văn hoá nước ta. Nhiều chuyên gia khẳng định, Việt Nam không có văn hoá trà là sai. Tôi bảo có, thậm chí là độc đáo. Vì nhìn vào các bình trà cổ, chúng ta thấy được cách chơi và cách uống trà của người xưa".
Ông Vũ đơn cử, bình trà Gà Thần được làm cách đây khoảng 800 năm. Tại sao nắp ấm lại có hình con gà? Bởi nó gắn liền với văn hoá nông nghiệp nước ta. Hơn nữa, người ta vẫn nói "nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm" thì ấm trà càng độc đáo thì càng thể hiện văn hoá trà ở cấp độ cao.
Ấm trà hình người hàng nghìn năm tuổi. |
Thậm chí, có nhiều loại ấm trà mà theo ông Vũ người xưa không dùng để pha mà chỉ dùng để biếu tặng và trưng bày. Điều ấy đã phần nào thể hiện văn hoá trà Việt là có thật (trong khi đó nhiều chuyên gia trà trong và ngoài nước không công nhận Việt Nam có văn hoá trà - PV). Nhiều ấm trà ông Vũ tìm thấy không thể dùng pha trà mà người dân dùng để đựng nước mắm hoặc đựng nước.
Tuy nhiên, nhiều cuộc hội thảo và trên các diễn đàn về trà đạo vẫn chưa ngã ngũ. Ông Vũ cho biết, sẽ sớm chứng minh Việt Nam có văn hoá trà - và "vật chứng" cùng những cứ liệu lịch sử không đâu khác, chính là 300 bình trà cổ mà ông đang có trong tay.
"Văn hoá trà nằm trong dòng chảy thời gian của văn hoá dân gian, vì thế hình dáng bình trà thể hiện cho tính cách và giai đoạn lịch sử. Vừa rồi, tôi rất buồn khi một tổ chức làm bình trà bằng chất liệu bê tông cốt thép với kích cỡ lớn rồi mời các chuyên gia tới "chấm điểm" để xác lập kỷ lục. Tôi phản đối quyết liệt vì ai lại làm ấm trà bằng xi măng cốt thép bao giờ. May mắn là các chuyên gia cũng tỉnh táo nếu không thế giới sẽ cười chúng ta".
Ông Mông Nông Vũ
Theo Trần Hòa (Kiến Thức)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét